Phát hiện u ở cổ với kích thước ban đầu chỉ khoảng 2 cm, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự ý điều trị bằng thuốc nam khiến chúng phát triển nhanh, nổi hạch xung quanh.
Bệnh nhân 43 t.uổi (trú tại Ba Vì, Hà Nội) đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội khám với khối u kích thước “khủng” ở cổ khiến mặt lệch hẳn sang một bên. Bệnh nhân cho biết cách đây 2 tháng, anh thấy cổ nổi cục to bằng đốt ngón tay nên đã tìm đến một “ thầy lang” khá nổi tiếng tại địa phương và được cho điều trị bằng cách đắp lá.
Sau đó, u ngày càng phát triển rất nhanh, nổi hạch xung quanh thành một khối lớn, bầm tím. Đến khi thấy khó thở, nuốt vướng, khạc nhổ ra m.áu, anh C. mới đến Bệnh viện Đa khoa Ba Vì khám và được chuyển lên Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
Các xét nghiệm nội soi, chụp cắt lớp cho thấy, khối u dạng sùi chiếm toàn bộ hố amidan trái và sụn nắp gây hẹp khẩu kính hạ họng. Ngoài ra, có hạch trung thất, hạch thượng đòn hai bên với đường kính hạch lớn nhất lên đến 4 cm. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư hạ họng di căn ở giai đoạn muộn
Khối u khổng lồ chèn ép gây khó thở, bệnh nhân lệch mặt sang 1 bên. Ảnh: BVCC.
Các bác sĩ cho biết đây là một trường hợp đáng tiếc. Nếu bệnh nhân đến viện sớm khi mới phát hiện u ở kích thước nhỏ, có thể điều trị triệt căn, phẫu thuật hoặc hóa xạ trị. Bệnh nhân có cơ hội sống thêm dài và giảm thiểu các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Với tình trạng này, bệnh nhân được chỉ định mở khí quản chủ động tại Khoa Ngoại Đầu cổ. Nếu không phẫu thuật sớm, khối u hạch phát triển nhanh khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do u và hạch chèn ép gây khó thở dữ dội.
Trước đó, các bác sĩ cũng cấp cứu thành công, mở khí quản cho một cụ ông ung thư hạ họng di căn giai đoạn muộn lên cơn khó thở dữ dội. Đặc biệt, khối u và khối hạch di căn có kích thước lớn đẩy đường thở đi lệch khiến việc xác định khí quản gặp nhiều khó khăn.
Theo TS.BS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội với bệnh nhân ung thư hạ họng thì thường gặp tình trạng khó thở tăng dần. Nếu được phẫu thuật chủ động sớm, bệnh nhân sẽ bớt đau đớn, không bị khó thở, ăn uống dễ hơn, đặc biệt, các biến chứng do mổ cũng ít xảy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi thấy nổi hạch ở cổ phải đi khám chuyên khoa ung bướu sớm, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến. Người dân không nên tự ý điều trị như dùng thuốc nam sẽ đ.ánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh.
Theo Zing
Mở khí quản cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân ung thư hạ họng
Đặc biệt, khối u và khối hạch di căn có kích thước lớn đẩy đường thở đi lệch khiến việc xác định khí quản gặp nhiều khó khăn.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Đầu cổ – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa cấp cứu thành công, mở khí quản cho bệnh nhân ung thư hạ họng di căn giai đoạn muộn lên cơn khó thở dữ dội, cứu sống bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Đặc biệt, khối u và khối hạch di căn có kích thước lớn đẩy đường thở đi lệch khiến việc xác định khí quản gặp nhiều khó khăn.
Cách đây khoảng 1 tháng, bệnh nhân Nguyễn Văn L., 74 t.uổi, trú tại Minh Tân – Phú Xuyên – Hà Nội nhập viện trong tình trạng khó thở đột ngột từng cơn, sức khỏe suy kiệt do không ăn uống được. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư hạ họng giai đoạn muộn đã di căn hạch. Đặc biệt, hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy, khối u lớn hạ họng kích thước lên đến 7 cm, thâm nhiễm lân cận gây hẹp đường thở.
Ngoài ra, còn có nhiều hạch vùng cổ phải lân cận đường kính 6,5 cm thâm nhiễn mỡ quanh hạch, phá hủy tổ chức xung quanh. Tuy nhiên, do phát hiện ở giai đoạn muộn nên không thể phẫu thuật triệt để cắt u và vét hạch. Bệnh nhân cũng từ chối mở khí quản chủ động theo chỉ định ban đầu của bác sĩ. Bệnh nhân có lúc hết khó thở cho đến khi cơn khó thở ngày càng xuất hiện dồn dập, đe dọa tính mạng, bệnh nhân được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
TS.BS Đàm Trọng Nghĩa,Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân ung thư hạ họng thường gặp tình trạng khó thở tăng dần, nhưng trường hợp này khá đặc biệt, bệnh nhân khó thở từng cơn rồi lại hết nên sinh tâm lý chủ quan. Hơn nữa, khối hạch di căn tại vùng chèn ép đến khi xuất hiện những cơn khó thở dữ dội. Mở khí quản là chỉ định bắt buộc để tránh tình trạng bệnh nhân bị tắc thở do u chèn ép và đờm dãi làm hẹp bít đường thở. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, thở tốt, ăn uống được bình thường.
Cũng theo TS. Nghĩa, bệnh nhân bị khó thở lâu ngày, khối hạch to chèn ép khiến đường thở rất mềm và bị đẩy lệch nhiều, bệnh nhân kích thích vật vã do thiếu oxy. Do đó, việc xác định khí quản trở nên khó khăn hơn khi mở đường thở. Nếu được phẫu thuật chủ động sớm, bệnh nhân sẽ bớt đau đớn, không bị khó thở, ăn uống dễ hơn, đặc biệt, các biến chứng do mổ cũng ít xảy ra.
Anh Nguyễn Văn T., con trai bệnh nhân L. chia sẻ: “Ban đầu, ông chỉ thỉnh thoảng mới lên cơn khó thở, chúng tôi không nghĩ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên đã chần chừ phẫu thuật chủ động theo chỉ định của bác sĩ. Giờ bố tôi đã hết bị những cơn khó thở “giày vò”, ăn uống dễ hơn nên gia đình cũng đỡ lo sợ, yên tâm điều trị bệnh cho ông”.
Theo Helino