In 3D xương nhựa để ghép cho bệnh nhân

Những chiếc xương làm từ công nghệ in 3D và vật liệu PEEK là giải pháp mới, giúp các bệnh nhân ung thư xương đẩy lùi nguy cơ tàn phế, cắt cụt chi.

Các chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình tại Hà Nội đều đ.ánh giá cao công nghệ này tại hội thảo “ Vật liệu y sinh PEEK và công nghệ 3D: Bước tiến mới trong chấn thương chỉnh hình” do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vật liệu Y sinh tổ chức sáng nay, 8/11.

tphcm mot phu nu nguy kich tai phong kham tham my o quan 2 827465

Nhóm bác sĩ của Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thăm khám cho bệnh nhân.

Hồi phục nhờ chiếc xương đặc biệt

Bệnh nhân Khuất Hữu T. (46 t.uổi, Ba Đình, Hà Nội) mới được ghép đoạn xương nhân tạo cách đây 1 tuần. Ông T. mắc bệnh u xương chỏm đùi đã 5 năm. Trước khi được phẫu thuật, ông T. đi lại rất khó khăn, khi ngồi phải ngồi lệch về một bên, lúc ngủ cũng phải nằm nghiêng một bên.

Vì vậy, ông được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tư vấn phẫu thuật sớm, bởi khối u xương của ông đã chuyển thành u ác tính, gây mất đoạn, khuyết hổng tổ chức xương đùi.

Nếu không phẫu thuật kịp thời, phần xương bị hổng sẽ khiến ông T. nhanh chóng bị tàn phế và suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống.

“Các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho tôi trước ca mổ. Tôi cũng có một chút lo lắng nhưng vẫn quyết tâm chữa bệnh. Giờ thì tôi thấy rằng, mình đã quyết định đúng” – Ông T. nói.

Sau khi được chữa trị, ông đã không còn đau đớn, cũng không phải ngồi nghiêng, nằm nghiêng như trước, mà tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Tới tham dự buổi hội thảo, ông T. tỏ ra rất thoải mái khi đi lại, có thể tự đứng bằng hai chân trong vòng vài phút mà không cần chống nạng.

Thành công của ca ghép này có thể coi là sự kiện của y học Việt Nam.

Bệnh nhân T. khỏe mạnh đi lại sau khi được phẫu thuật ghép xương đùi nhân tạo làm từ công nghệ in 3D và vật liệu PEEK

Bác sĩ Phạm Trung Hiếu – Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn – chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép xương đùi nhân tạo từ vật liệu PEEK để bảo tồn chi thể. Nhóm bác sĩ chúng tôi tự hào khi được tham gia ca phẫu thuật, được hợp tác với các kỹ sư tiên phong trong lĩnh vực vật liệu y sinh trong nước”.

Xương bằng nhựa được in 3D

Theo PGS.TS. Ngô Duy Thìn – Trưởng Labo Công nghệ mô ghép và vật liệu sinh học, Đại học Y Hà Nội – đoạn xương đặc biệt cứu ông T. khỏi nguy cơ tàn tật dài gần 20cm, do các kỹ sư và các bác sĩ thuộc chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình thiết kế riêng. Chiếc xương còn được chế tạo từ vật liệu y sinh học PEEK (Polyether Ehter Ketone) và công nghệ in 3D.

Trong đó, PEEK là một loại nhựa nhiệt dẻo được cấu tạo đặc biệt để cấy ghép vào cơ thể người, không tác động lên gen; có đặc tính cơ học như xương đặc, bền, không nứt vỡ; không cản trở khi chụp X-quang; không biến đổi cấu trúc và tạo ra gốc tự do khi được tiệt khuẩn. PEEK đã được ứng dụng trong y tế thế giới từ năm 1990.

Hiện nay, PEEK được dùng để chế tạo các mảnh vá hộp sọ, đĩa đệm cột sống, thân xương đùi, khớp háng và khớp gối toàn phần…

tphcm mot phu nu nguy kich tai phong kham tham my o quan 2 cfefe9

PGS.TS. Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ về công nghệ mới tại buổi hội thảo.

Để có một chiếc xương nhân tạo này, các bác sĩ thiết kế khuôn đúc nhựa dựa theo kích thước xương nguyên mẫu sau đó sử dụng kỹ thuật in 3D in khuôn, đưa vật liệu nhựa PEEK vào khuôn tạo hình. Chiếc xương sẽ được đưa đi tiệt trùng, đảm bảo vô khuẩn rồi ghép cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Trung Hiếu cho biêt thêm: “Nhờ phối hợp với công nghệ in 3D, những bộ phận cấy ghép được thiết kế chuẩn xác, có khả năng lấp đầy những khuyết hổng trên cơ thể, cố định vào các phần xương lành và đảm bảo khả năng vận động, chịu lực như các bộ phận nhân tạo thông thường. Các bệnh nhân ung thư xương được phẫu thuật ghép xương nhân tạo này có thể bảo tồn, không phải cắt cụt chi, giữ lại hình dáng và chức năng cơ thể”.

Các chuyên gia cũng đ.ánh giá: Sự thành công này đã mở ra khả năng ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn trong việc bảo tồn chi cho bệnh nhân mắc các bệnh lý như u xương hoặc tổn thương cũ gây mất đoạn xương dài, mở ra triển vọng mới cho phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nói chung và phẫu thuật tái tạo xương khớp nói riêng.

Hiện nay, các đoạn xương cấy ghép làm từ công nghệ in 3D và vật liệu PEEK đã được ứng dụng vá hộp sọ trên khoảng 10 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và một số bệnh nhân khác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Còn hạn chế cần khắc phục

“Mặc dù PEEK là một vật liệu có nhiều khả năng để cấy ghép thay thế mô xương, song, đây cũng là loại vật liệu tương đối khó tính. PEEK có nhiệt độ nóng chảy cao, khó chế tạo khi sử dụng công nghệ in 3D” – PGS.TS. Ngô Duy Thìn chia sẻ.

Một hạn chế khác cũng được các chuyên gia thẳng thắn nêu rõ: Các nhà chế tạo chưa thể in 3D trực tiếp xương cần cấy ghép mà phải dùng khuôn đúc, vì chưa kiểm soát được vấn đề vô trùng. Do đó, chiếc xương đúc ra không có lòng ống tủy, cấu trúc bên trong chưa thực sự giống với xương thật. Bên cạnh đó, xương làm từ vật liệu PEEK và công nghệ in 3D không giúp làm giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ và di căn của khối u.

tphcm mot phu nu nguy kich tai phong kham tham my o quan 2 582b7e

Hình ảnh thực tế của đoạn xương nhân tạo được cấy ghép

Bên cạnh đó, việc áp dụng còn khá hạn chế bởi PEEK là vật liệu mới, giá thành in 3D vẫn còn đắt đỏ; để in được vật liệu PEEK cần đầu tư hệ thống in 3D chuyên biệt.

“So với thế giới, chi phí cho vật liệu PEEK tại Việt Nam rẻ hơn, song cũng ở mức khoảng 40 triệu/ca. Chi phí cho một ca phẫu thuật còn cao trong khi bệnh nhân có chỉ định ghép chưa được hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế” – PGS.TS. Trần Trung Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, vật liệu PEEK chưa thể liền với khối xương của bệnh nhân; bác sĩ thao tác trên xương vật liệu PEEK khó khăn. Các chuyên gia chia sẻ, những hạn chế này cần được khắc phục bằng cách phủ các chất đẩy quá trình liền xương và thêm các trợ cụ cắt để cắt xương dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bác sĩ, phẫu thuật viên trong quá trình ghép xương cho bệnh nhân.

Theo viettimes

Cắt bỏ thành công 2 khối u xương khổng lồ hình cây súp lơ

Mới đây, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã cắt bỏ hai khối u xương kích thước lớn và có hình dáng y hệt cây súp lơ cho hai trường hợp bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán là u xương đầu trên xương đùi. Điều đáng nói là có một trong hai bệnh nhân đã mang khối u đó trên cơ thể từ nhỏ.

cat bo thanh cong 2 khoi u xuong khong lo hinh cay sup lo f1d94b

Hai khối u khổng lồ được phẫu thuật cắt bỏ ra khỏi cơ thể hai bệnh nhân. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Cụ thể, trong cùng một ngày, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tiếp nhận đồng thời hai trường hợp bệnh nhân đến khám là ông Nguyễn Văn V, 50 t.uổi ở Bắc Ninh và ông Khuất Hữu T, 46 t.uổi ở Hà Nội. Cả hai bệnh nhân đến khám vì được chẩn đoán là u xương đầu trên xương đùi bên phải biến dạng và được tuyến dưới giới thiệu lên.

Bệnh nhân Khuất Văn T cho biết, ông bị khối u vùng mặt sau đùi phải từ nhỏ nhưng chủ quan không đi khám vì không cảm thấy đau. Hai năm trở lại đây, khối u mới bắt đầu tiến triển to lên và khiến ông đau nhiều, không thể ngồi và nằm tự nhiên. Ông đã đi khám ở nhiều nơi và được các bác sĩ giải thích là khối u có kích thước rất to và không thể can thiệp được. Hướng điều trị mà ông được khuyên là dùng thuốc điều trị triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên việc dùng thuốc không khiến ông đỡ đau mà cơn đau có lúc mất kiểm soát.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ cho biết, khối u đã biến dạng khủng khiếp. Phim chụp XQ của ông khiến các bác sĩ vô cùng kinh ngạc về sức chịu đau của ông suốt thời gian qua.

Điều tương tự cũng gặp ở trường hợp ông Nguyễn Văn V (50 t.uổi, Bắc Ninh), vì chủ quan nên ông không đi khám từ giai đoạn sớm và khi khối u bắt đầu to, biến dạng ông mới tới cơ sở y tế.

Từ phim chụp XQ và MRI của cả hai bệnh nhân, PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, nhận định đây là hai ca bệnh rất khó và đặt ra nhiều thách thức đối với chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình ở Việt Nam hiện nay nói chung và đối với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói riêng.

“Nếu phẫu thuật và tạo hình khớp háng thành công đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ không còn mặc cảm về hình dáng bên ngoài, giúp bệnh nhân hoạt động, trở lại với sinh hoạt thường ngày. Còn nếu không phẫu thuật thì cả hai sẽ phải sống chung với khối u và sự đau đớn suốt đời, không thể đi hay ngồi tự nhiên được”, PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết.

Việc đặt ra yêu cầu cao nhất với hai ca bệnh này là vừa phải cắt bỏ được khối u khổng lồ, vừa bảo toàn chi cho bệnh nhân trong tình trạng khối u xương đã rất lâu, tổ chức u đã ăn sâu và lan rộng sang tổ chức xung quanh, chèn ép vào mạch m.áu và thần kinh vùng mông, đùi.

Các phương án chi tiết đã được các bác sĩ đặt ra cùng với các rủi ro đã được lường trước. Cuối cùng tất cả đều thống nhất sẽ phải phẫu thuật để trả lại sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân. Phương án được đặt ra là sẽ lấy bỏ khối u kèm đoạn xương bị xâm lấy và thay vào đó là đoạn xương đùi mới được làm bằng vật liệu Peek (polyetheretherketone) với kích thước giống hệt đoạn xương lấy bỏ, nếu ca phẫu thuật thành công thì đây cũng là ca phẫu thuật đầu tiên sử dụng vật liệu y sinh học Peek để thay thế đoạn đầu trên xương đùi tại Việt Nam.

Ngay sau khi quyết định và giải thích với gia đình các bệnh nhân, cả hai ca phẫu thuật đã được tiến hành trong cùng một ngày. Ca phẫu thuật có sự tham của các Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và các bác sĩ thuộc đơn vị Phẫu thuật ung thư xương khớp và mô mềm, Bệnh viện K Trung ương.

“Mặc dù đã lường trước được kích thước to của khối u xương nhưng tất cả đều không khỏi bất ngờ vì kích thước thật của nó – một khối 1,6kg và một khối 2 kg với hình dáng y hệt cây súp lơ và sự biến dạng khủng khiếp của các khối u”, Ths Trần Sáng, đơn vị Phẫu thuật ung thư xương khớp và mô mềm, bệnh viện K Trung ương chia sẻ.

Rất may mắn, khớp háng nhân tạo được thay mới cho hai bệnh nhân đi kèm cùng đoạn xương đùi nhân tạo bằng vật liệu Peek thay thế đoạn xương lấy bỏ đã được thực hiện thành công. Mỗi ca mổ diễn ra khoảng hai tiếng đồng hồ, hiện tại, các bệnh nhân đã được chuyển sang phòng hậu phẫu để chăm sóc.

Vì một phần khớp háng, đoạn xương đầu gần xương đùi được lấy bỏ và thay thế bằng đoạn xương nhân tạo nên các động tác gập, khép, dạng… tại khớp háng sẽ bị hạn chế. Bệnh nhân sẽ được tư vấn tập các bài tập phục hồi chức năng riêng để có thể sớm trở lại với sinh hoạt hàng ngày. Dự kiến cả hai bệnh có thể ra viện được trong 3 ngày tới.

Theo các bác sĩ, đây là lần đầu tiên vật liệu Peek được dùng tại Việt Nam để thay thế đoạn xương đầu trên xương đùi. Ưu điểm của vật liệu này là kích thước đoạn xương đùi được tính toán kỹ lưỡng trước mổ bằng công nghệ in dựng hình 3D nên mọi chỉ số của vật liệu nhân tạo hoàn toàn ăn khớp với chỉ số xương bệnh nhân trong mổ.

Qua hai trường hợp này, PGS.TS Trần Trung Dũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi thấy bất kì dị dạng bất thường trên hệ cơ xương khớp của cơ thể. Vì rất có thể đấy là dấu hiệu sớm cảnh báo các bệnh lý phức tạp diễn biến tiếp theo nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp hai bệnh nhân trên nếu đến cơ sở y tế sớm sẽ được điều trị đơn giản hơn, ít biến chứng và ít tốn kém hơn rất nhiều.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi phát hiện khối u xương, người bệnh nên đi khám để phát hiện u đó lành tính hay không và là loại u nào để sớm có phương pháp điều trị, tránh để ảnh hưởng đến vận động của cơ thể. Kể cả u lành tính cũng cần được theo dõi chặt chẽ, đề phòng khối u chuyển sang ác tính như hai bệnh nhân trên.

Theo baochinhphu.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *