Các bác sĩ BV quận 2, TP.HCM tự tin khám và điều trị cho người nước ngoài do thông thạo ngoại ngữ.
Hiện Bệnh viện (BV) quận 2 là BV tuyến quận/huyện duy nhất ở TP.HCM được Sở Y tế TP công nhận có nhân sự đủ điều kiện sử dụng thành thạo ngoại ngữ và đủ trình độ phiên dịch trong khám, chữa bệnh.
Khám nhanh, chính xác cho người nước ngoài
Chiều 8-11, một nữ bệnh nhân Ấn Độ trên 30 t.uổi ôm bụng bước vào Khoa khám bệnh theo yêu cầu của BV quận 2.
Bệnh nhân được TS-bác sĩ (BS) Lê Thanh Toàn, Phó Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu, trực tiếp khám. Chỉ vào bụng mình, bệnh nhân nói tiếng Anh bằng giọng khá chuẩn: “Đau, đau”. BS Toàn hỏi lại cũng bằng tiếng Anh: “Bà đau từ lúc nào? Đau liên tục hay đau từng cơn?”. “Mới đau khoảng 30 phút. Đau từng cơn” – bệnh nhân trả lời.
BS Toàn hỏi tiếp: “Bà có nôn không? Nếu có thì nôn mấy lần? Có tiêu lỏng không?”. “Nôn hai lần, tiêu lỏng một lần” – bệnh nhân đáp.
BS Toàn hỏi thêm câu cuối: “Trưa nay bà ăn uống gì? Ở đâu?”. Bệnh nhân thoáng bối rối rồi cho biết: “Hồi trưa tôi có ăn tiệc sinh nhật của người bạn ở một quán nhỏ. Tôi nhớ có ăn gỏi, heo quay bánh mì, súp hải sản, cá chưng”.
Suy nghĩ vài giây, BS Toàn chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm rồi cho toa thuốc. BS Toàn dặn dò kỹ lưỡng cách uống thuốc và khuyên nữ bệnh nhân nên đến BV nếu gặp những triệu chứng bất thường.
Trò chuyện với người viết, BS Toàn nói: “Khi bệnh nhân Ấn Độ chỉ vào bụng và nói đau thì tôi nghĩ ngay đến bốn nguyên nhân có thể xảy ra: ngộ độc thức ăn, viêm tụy cấp, đau bao tử, viêm ruột thừa giai đoạn sớm. Tuy nhiên, khi bệnh nhân nói đau từng cơn kèm nôn và tiêu lỏng thì tôi nghiêng về ngộ độc thực phẩm nên xoáy sâu vào khía cạnh này. Do cả hai hiểu rõ và bệnh nhân trả lời đúng từng câu hỏi của tôi nên việc chẩn đoán bệnh mau chóng và chính xác, không tốn nhiều thời gian”.
TS- BS Lê Thanh Toàn sử dụng tiếng Anh để hỏi bệnh một người Ấn Độ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sự lợi hại của ngoại ngữ trong bệnh viện
“Khoa cấp cứu từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nước ngoài, đa phần nói tiếng Anh. Một khi BS không thông thạo ngôn ngữ này sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong quá trình khám và trị bệnh” – BS Diêu Hà Lam, Trưởng Khoa cấp cứu BV quận 2, nói.
Theo BS Lam, BS không thành thạo ngoại ngữ sẽ khó khăn khi khai thác bệnh sử và khám bệnh cho người nước ngoài. “Chẳng hạn đau thì có đau ít, đau nhiều, đau từng cơn, đau nhói, chỗ nào đau, chỗ nào không đau… Tùy tình trạng đau và vị trí đau mà bác sĩ chẩn đoán chính xác để điều trị đúng bệnh. Tương tự, gãy xương khác nứt xương hoặc bong gân. Nếu hiểu sai lời khai của bệnh nhân sẽ khiến BS dễ chẩn đoán nhầm bệnh” – BS Lam cho biết.
“Những hạn chế nói trên có thể khắc phục bằng cách cho bệnh nhân xét nghiệm m.áu, chụp X-quang, CT scan, nội soi… để BS đưa ra chẩn đoán chính xác.” – BS Lam chia sẻ.
Đặt yêu cầu ngoại ngữ cho nhân sự bệnh viện
BV quận 2 thành lập câu lạc bộ ngoại ngữ để nhân viên y tế có cơ hội giao tiếp tiếng nước ngoài như Anh, Pháp. BV quận 2 cũng phối hợp khoa ngoại ngữ của một trường đại học để tổ chức những lớp đào tạo tiếng Anh, Pháp tại chỗ cho nhân viên y tế.
Đối với nhân viên y tế công tác tại những bộ phận có bệnh nhân nước ngoài buộc phải có trình độ ngoại ngữ giỏi. Những nhân viên y tế này phải tham gia đợt kiểm tra trình độ tiếng Anh, Pháp do ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức và được cấp giấy chứng nhận nếu đạt. Sau đó Sở Y tế TP.HCM cấp chứng nhận hoặc là thông dịch viên, hoặc là đủ trình độ ngoại ngữ để trực tiếp khám và chữa bệnh cho người nước ngoài.
Hiện BV quận 2 có ba TS-BS được công nhận sử dụng thành thạo tiếng Anh và hai cử nhân được công nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Pháp trong khám, chữa bệnh.
BS TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc BV quận 2, TP.HCM
Bác sĩ thành thạo ngoại ngữ để phục vụ du lịch y tế
Hiện TP.HCM đang đẩy mạnh dịch vụ du lịch, trong đó có du lịch y tế. Do vậy, ngành du lịch và ngành y tế TP.HCM xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe cho du khách nước ngoài. Để làm tốt công việc này, ngành y tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, thành thạo ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng để dễ tiếp cận bệnh nhân nước ngoài.
ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM
TRẦN NGỌC
Theo PLO
Khi thấy 4 điều này, người tập gym hãy đổi huấn luyện viên
Huấn luyện viên cá nhân đóng vai trò quan trọng giúp người tập gym có thể đạt được mục tiêu tập luyện. Nhưng trong một số trường hợp, việc thay đổi huấn luyện viên cá nhân là cần thiết.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Khi người tập thấy những dấu hiệu sau, hãy cân nhắc đến việc tìm một huấn luyện viên khác, bà Erin Mahoney, chuyên gia thể thao thuộc Hiệp hội khoa học thể thao quốc tế (Mỹ), cho biết.
Không tiến bộ
Bạn đã tập luyện đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý và duy trì liên tục từ 3 – 6 tháng nhưng lại không thấy tiến bộ, không đạt được mục tiêu tập luyện. Khi đó, hãy tìm một huấn luyện viên khác, các chuyên gia lưu ý, theo MSN.
Không hiểu tại sao bạn lại thất bại
Không phải bất kỳ khi nào đến phòng gym thường xuyên là có thể giảm cân hay tăng cơ thành công. Có những tuần, những tháng mà người tập sẽ không hoặc có rất ít sự thay đổi.
Tuy nhiên, nếu huấn luyện viên cá nhân không giải thích rõ nguyên nhân và chấp nhận là bạn không thể tiến bộ thêm thì hãy ngưng hợp tác với họ để tìm người khác.
Không bận tâm bạn đau như thế nào
Tập luyện sẽ gây đau cơ nhưng không phải mọi cơn đau đều từ cơ bắp. Một số huấn luyện viên cá nhân lại xem chuyện bị đau khi tập luyện là điều bình thường. Do đó, họ thường ít quan tâm những cơn đau của người tập.
Cơn đau xuất hiện với mức độ nặng, dữ dội thường là có hại. Nếu khi thực hiện một động tác cụ thể nào đó và bị đau như vậy thì cần xem xét lại việc tập luyện. Nếu huấn luyện viên vẫn khuyến khích bạn tiếp tục tập và phớt lờ những cơn đau như vậy thì hãy tìm một người khác, theo MSN.
Theo các chuyên gia, nếu tập gym mà bị những cơn đau dữ dội thì điều trước tiên làm là phải tìm gặp bác sĩ chứ không phải cố tập.
Không tập trung trong buổi tập
Huấn luyện viên cá nhân phải tập trung theo sát người tập. Nếu họ thường hay lơ là, suốt buổi chỉ lo lướt Facebook hay Instagram thì hãy ngưng hợp tác với họ, theo MSN.
Theo Thanh niên